Thời tiết khô hạn và nắng nóng của mùa hè chính là một trong những yếu tố dễ gây ra các vụ hỏa hoạn. Đồng thời đây cũng chính là thời điểm mà trẻ được nghỉ hè, được tự do hoạt động mà ít phải chịu sự giám sát của người lớn. Chính vì vậy, ba mẹ cần phải chú ý trang bị cho con các kỹ năng ứng biến cần thiết liên quan đến vấn đề phòng chống cháy nổ và thoát hiểm khi gặp sự cố.
Khi có hỏa hoạn xảy ra, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất bởi các em không biết cách thoát hiểm và dễ bị hoảng loạn. Do vậy, hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng thoát hiểm, ứng biến luôn là một trong những bài học đang được chú trọng và không thể thiếu trong các chương trình giáo dục hiện nay. Mục đích chính của việc này là giúp cho trẻ có thể bình tĩnh, biết cách xử lý tình huống một cách an toàn và tự bảo vệ được bản thân ngay từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ cần chú ý trang bị cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ những kỹ năng thoát hiểm dưới đây:
Kỹ năng 1:
Ngay khi ngửi thấy mùi khét, khói; trông thấy lửa cháy; hay nghe thấy chuông báo động, báo cháy khẩn cấp của tòa nhà thì con phải nhanh chóng liên hệ ngay với lực lượng cứu hỏa. Hãy tạo cho trẻ một phản xạ nhanh chóng gọi ngay tới đầu số 114 khi có sự cố để kịp thời báo tin cho cơ quan PCCC ứng cứu.
Kỹ năng 2:
Trong trường hợp bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn (tất nhiên người lớn cần có kỹ năng thoát nạn). Còn nếu trẻ ở nhà một mình, hãy chỉ cho bé thoát ra ngoài bằng những lối thoát hiểm an toàn như:.
– Nếu nhà đơn lẻ chỉ có một cửa ra vào, đó chính là lối thoát nạn duy nhất.
– Nếu nhà có cửa trước và cửa sau đều dẫn ra ngoài thì trẻ đều có thể thoát hiểm bằng cả 2 lối này.
– Nếu nhà ở trên tầng, hãy thoát ra ngoài bằng cửa dẫn ra cầu thang bộ chống nhiễm khói.
Kỹ năng 3:
Nếu gia đình bạn đang sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện.
Hướng dẫn cho trẻ di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT màu xanh). Quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
Kỹ năng 4:
Cha mẹ cần lưu ý dặn trẻ phải ghi nhớ cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ mang theo bất kỳ đồ đạc nào hoặc nán lại gọi cứu hỏa.
Kỹ năng 5:
Phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các đám cháy do ngạt, ngộ độc khói và khí độc kèm trong khói. Do đó trong quá trình di chuyển thấy khói, hãy dạy bé dùng khăn hay vải thấm nước buộc quanh mặt ra sau tai hoặc bịt lên miệng, mũi để hô hấp. tránh bị ngộp vì khói.
Khi di chuyển ra ngoài, trẻ cần cúi người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra. Dặn chúng khoác thêm một chiếc áo khoác nhúng nước nếu có thể.
Kỹ năng 6:
Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.
Kỹ năng 7:
Trong trường hợp toàn bộ các hướng thoát nạn đều có khói hoặc trẻ bị kẹt trong phòng và không thể thoát ra ngoài do lửa khói bao xung quanh, hãy sử dụng điện thoại gọi 114 thông báo con đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy.
Hãy dạy con nhanh chóng lấy vải, khăn ướt bịt chặt tất cả các khe cửa, kẽ hở trong căn hộ. Sau đó hãy nằm dưới gầm giường, gầm bàn và hít thở qua khăn ướt. Ngoài ra, con hãy làm ướt người mình và chờ cứu hộ đến. Trong lúc ấy, nếu có toilet trong nhà con nên mở, xả tất cả các vòi nước.
Có rất nhiều những nguyên nhân và tình huống bất ngờ xảy ra có thể dẫn đến sự cố hỏa hoạn mà cha mẹ không thể lường trước được. Hãy dạy trẻ nắm vững bí quyết “bình tĩnh, nằm sát đất, trườn bò, che mặt và không hít khói” để giảm thiểu được tối đa thương vong cho bản thân và kể cả những người xung quanh. Với những kỹ năng trên, hy vọng các con có thể áp dụng một cách thật hiệu quả và an toàn nhất nếu không may có hỏa hoạn xảy ra.