4 kỹ năng sơ cứu cơ bản cho trẻ cha mẹ nào cũng cần biết

      Môi trường xung quanh luôn ẩn chứa rất nhiều các hiểm họa đối với trẻ dù ở bất cứ độ tuổi nào. Để hạn chế xảy ra những tình huống đáng tiếc, cha mẹ đã luôn cố gắng trông chừng và hạn chế tối đa cho con tiếp xúc với những thứ nguy hiểm.

      Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi hiếu động thì dù có lập rào chắn cũng khó tránh khỏi những tình huống đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức sơ cứu cơ bản nhất cho trẻ em để sẵn sàng ứng phó trong những tình huống nguy cấp. Đừng để sự thiếu hiểu biết, lúng túng và chậm trễ của mình dẫn tới những kết cục đáng tiếc!

       Dưới đây là tổng hợp các kiến thức sơ cứu cơ bản cho từng tai nạn phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ:

    1. Sơ cứu bé bị đuối nước:

      Đuối nước hay ngạt nước là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong cho trẻ em. Khi bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ và tránh được di chứng não nặng nề sau này. Dưới đây là các bước sơ cứu quan trọng ban đầu người lớn cần ghi nhớ khi trẻ gặp phải tai nạn này:

      – Cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ để kiểm tra ý thức của trẻ. Nếu trẻ bất tỉnh và không phản ứng lại, hãy quan sát lồng ngực để kiểm tra nhịp thở, nếu thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở/ngừng tim.

      – Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng kiểm tra đường thở, loại bỏ nhanh các dị vật và thực hiện ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ.

      – Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

      – Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

      – Lặp lại liên tục quá trình ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao.

      Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, hãy nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài. Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.

      Dưới đây là video hướng dẫn cụ thể:

      2. Sơ cứu khi trẻ bị nghẹn, hóc dị vật

      Khi hóc phải dị vật, trẻ có thể ho sặc sụa, thậm chí là ú ớ, khó thở do dị vật chắn ngang đường thở. Nếu không nhanh chóng tìm cách đẩy dị vật ra ngoài, trẻ có thể tử vong vì ngạt thở.

      Ba mẹ cần phải ghi nhớ rằng chỉ có thể tự lấy dị vật ra ngoài khi biết chắc có thể chạm vào mà không đẩy chúng sâu xuống họng. Hãy thận trọng kiểm tra rằng trước đó trẻ đã bị hóc phải thứ gì và vật đó đang nằm ở vị trí nào trong người trẻ trước khi sơ cứu nhé!

      Cách 1: Vỗ lưng

      Đặt trẻ nằm sấp trên đùi, đầu chúi về phía trước, thấp hơn phần thân và đảm bảo cho đầu, cổ của trẻ được đỡ chắc chắn. Chụm lòng bàn tay, sử dụng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng của trẻ (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ). Sau đó, hãy kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu vẫn không có hiệu quả, hãy chuyển sang cách 2.

      Cách 2: Ấn ngực

      Đặt bé nằm ngửa, phần đầu hơi ngửa ra đằng sau và đặt phần đầu của chúng vào lòng bàn tay, hạ thấp người bé xuống. Dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào xương ức (vùng giữa rốn và phần cuối của xương sườn). Khi ấn phải chú ý ấn vào bên trong và hơi đưa lên trên, động tác cần thực hiện dứt khoát, nhanh và mạnh. Với trẻ lớn hơn trên 1 tuổi, hãy nắm tay lại thành quả đấm rồi cũng ấn mạnh vào xương ức của trẻ. Cứ làm như thế và quan sát xem có gì đó không để nhặt ra khỏi mồm bé.

      Lưu ý:

       – Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.

      – Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

      Hãy cùng xem video hướng dẫn cụ thể dưới đây nhé!

      3. Sơ cứu khi bé bị gãy xương:

      Gãy xương là tai nạn rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày khi trẻ sinh hoạt, hoạt động thể chất hoặc nô đùa, bị ngã… Khi bị gãy xương nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách thì có thể hạn chế được có tổn thương thêm do di chuyển, hạn chế di lệch xương, hạn chế các tổn thương thần kinh, mạch máu. Đặc biệt trong chấn thương cột sống nếu không được sơ cứu đúng có thể gây tổn thương tủy sống dẫn đến liệt vận động.

      Theo khuyến cáo của bác sĩ, cha mẹ và thầy cô nên trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu để có thể giúp trẻ kịp thời. Tuy gãy xương là một tình trạng không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng việc sơ cứu đúng cách sẽ giúp việc điều trị dễ dàng và xương mau hồi phục hơn. Dưới đây là các bước gợi ý sơ cứu đơn giản khi trẻ bị gãy xương:

      – Không nên di chuyển trẻ khi chưa có phương tiện hoặc biện pháp an toàn. Mục đích là nhằm ngăn chặn những chấn thương khác có thể xảy ra đồng thời bất động chỗ bị gãy xương. Đặc biệt, đừng di chuyển nếu như trẻ bị thương ở lưng hoặc cổ.

      – Để cố định vùng bị thương, cha mẹ có thể làm một thanh nẹp bằng cách gấp một mảnh bìa cứng hoặc tạp chí và nhẹ nhàng đặt dưới chân tay. Sau đó dùng vải quấn lại cẩn thận.

      – Nếu có chảy máu, cầm máu bằng cách quấn chặt vùng bị thương bằng băng vô trùng hoặc vải. Đè chặt lên vết thương cho đến khi hết chảy máu thì băng vết thương lại.

      – Nếu trẻ có dấu hiệu của tình trạng sốc, hãy quấn trẻ trong một tấm chăn và nâng chân cao hơn đầu khoảng 30cm. Dấu hiệu của sốc bao gồm chóng mặt, yếu ớt, da nhợt nhạt, lạnh ẩm, khó thở và nhịp tim tăng lên.

      – Để giúp trẻ làm giảm sưng, cha mẹ có thể chườm một túi nước đá hay gạc lạnh trên vùng bị sưng. Tuy nhiên, bạn không nên chườm đá trực tiếp lên da, hay gói chúng trong một miếng vải. Và cuối cùng, nếu chấn thương quá nghiêm trọng, hãy bình tĩnh gọi xe cấp cứu đến.

      Lưu ý:

      – Không được tự ý kéo thẳng chi bị gãy.

      – Không được ăn uống gì cho đến khi gặp bác sĩ nếu cần phải mổ cấp cứu.

      Hãy cùng xem hướng dẫn xử lý các trường hợp gãy xương trong video dưới đây:

      4. Sơ cứu bé bị điện giật:

      Tai nạn điện giật thường xảy ra một cách đột ngột khi bé vô tình chạm phải đường dây điện hở, hay ổ điện ở những vị trí thấp mà bé với được trong lúc đang hoạt động, chơi đùa. Tai nạn nguy hiểm này khiến bé có thể bị bỏng hay nếu nặng hơn là ngừng hô hấp, tuần hoàn. Vì vậy, đối với tai nạn này, cha mẹ cần hết sức tỉnh táo và nắm rõ cách sơ cứu ban đầu cho trẻ.

      Hãy tắt nguồn điện ngay lập tức nếu có thể. Nếu không thể hãy nhanh chóng sử dụng những vật liệu cách điện khô như quyển sổ, cuộn báo, sử dụng thứ gì đó bằng vật liệu không dẫn điện như: nhựa, gỗ, vải khô để tách trẻ ra khỏi nguồn điện. Hoặc thòng dây thừng vào cánh tay hoặc cổ chân bé để kéo ra khỏi nguồn điện.

      Sau đó, việc quan trọng tiếp theo bạn cần làm là kiểm tra hơi thở của bé và gọi mọi người đến giúp đỡ. Nếu thấy trẻ bị ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tim phổi như sau:

      – Đặt trẻ nằm ngửa đầu tối đa lên nền ván cứng, mặt đất, nới lỏng quần áo và các đồ trên người bé làm cản trở hô hấp.

      – Ấn vào vùng trước tim của trẻ, kiểm tra nếu tim trẻ không đập thì tiến hành hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức (30 lần ép tim 2 lần thổi ngạt). Lặp lại liên tục cho đến khi hơi thở trở lại và đợi xe cấp cứu tới.

      – Ngay sau khi trẻ tự thở được và tim đập trở lại cần tiến hành băng bó cầm máu, cố định các phần xương bị gãy, cố định cột sống cổ trẻ nếu nghi ngờ bị tổn thương, truyền dịch cho trẻ nếu trẻ bị hạ huyết áp và đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chăm sóc đặc biệt.

      Lưu ý:

      – Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào người bé nếu bé vẫn còn trong nguồn điện, cha mẹ sẽ khiến chính bản thân mình cũng gặp nguy hiểm.

      – Trong lúc bé bất tỉnh, mẹ không nên để nhiều người đứng ngồi ở đó vì như vậy sẽ không thông thoáng, khiến bé thiếu oxy để thở.

      Dưới đây là video hướng dẫn cụ thể:

      Nắm rõ những cách sơ cứu cho trẻ ngay tại nhà là điều kiện kiên quyết để bố mẹ có thể giúp bé phần nào thoát khỏi những nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo an toàn cho con thì bố mẹ hãy cố gắng trở thành một thầy thuốc giỏi ngay trong chính trong gia đình mình nhé!