Liệu con bạn đã biết nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng cách?

        Ngày nay, ngoài việc quan tâm đến việc học tập và chăm sóc các con, thì cha mẹ cũng đừng quên chú ý đến việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Một đứa trẻ phát triển toàn diện sẽ là đứa trẻ có những kỹ năng học hành cũng như kỹ năng sống phải luôn song song và phát triển đều như nhau. Biết nói cảm ơn, xin lỗi là 1 trong những bài học vô cùng quan trọng mà bố mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ.

 

Nói lời cảm ơn, xin lỗi là thể hiện sự tôn trọng, đặc biệt đối với người lớn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại thường có thói quen nhắc nhở  ép buộc trẻ phải nói “Con cảm ơn bác đi”, “Con xin lỗi cô chưa?”, … Đây không phải là cách hiệu quả để trẻ biết nói lời cảm ơn và xin lỗi một cách chân thành nhất. Thay vì ép buộc, hãy giải thích cho trẻ hiểu được ý nghĩa của việc làm này để chúng có thể thực hiện được đúng lúc và đúng chỗ.

Trong bài viết này, mời bố mẹ hãy cùng Trại hè quốc tế BiMi  tìm hiểu về một số phương pháp dạy con biết nói những lời cám ơn và xin lỗi đúng cách nhé!

✅ Đặt ra cho trẻ các tình huống để cư xử

Hãy tận dụng chính sự tự nhiên và để cho các sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tạo cho trẻ thói quen ứng xử tốt. Khi con trẻ nhận được những món quà trước các dịp lễ là thời điểm khá thích hợp để dạy chúng nói lời cám ơn.

Không có mô tả.

Cha mẹ có thể đưa ra một vài ví dụ ứng xử trong tình huống này, giả sử như là đưa ra một lời khen về món quà đó … Đồng thời, hãy đặt ra vô vàn các câu hỏi tự nhiên cho bé kiểu như: “Chiều nay lúc đi học về, con được chú Sơn mua kem cho ăn, con đã nói với chú câu gì?” hoặc “Hôm nay, cô giáo nói ở lớp con đã làm ngã bạn An, sau đó con đã giải quyết ra sao và nói gì với bạn?”,… Nếu bé trả lời sai, hãy bình tĩnh giải thích cho chúng về cái đúng, cái sai để giúp chúng hiểu được tại sao chúng phải làm như thế. Bạn nên thường xuyên tạo thật nhiều cơ hội để con được thực hành và rèn luyện thường xuyên. Việc này vô cùng hiệu quả và thực sự cần thiết để trẻ có thể học được những cách ứng xử và thái độ phù hợp.

✅ Hãy trở thành một tấm gương sáng cho trẻ!

Trẻ nhỏ thường có xu hướng quan sát và thói quen bắt chước cha mẹ, ông bà hay những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hằng ngày. Bởi vậy, các bậc phụ huynh hãy biết làm gương cho con.

Trẻ nhỏ thường rất tinh ý, nhanh nhạy khi bạn dạy chúng một bài học nhưng chính bản thân lại không thực hiện điều đó. Dù chỉ mắc phải một lỗi nhỏ hay nhận được một lời khen thì bạn cũng hãy nói xin lỗi và cảm ơn đúng lúc để trẻ thấy được đây là điều nên làm. Nếu chúng tỏ ra bối rối và thắc mắc, hãy diễn đạt một cách phù hợp với độ tuổi của bé để giải thích tình huống và lý do tại sao bạn cần phải làm như vậy. Trẻ chắc chắn sẽ học tập và tiếp thu nhanh chóng nhất qua chính tấm gương chúng thấy hằng ngày.

✅ Khen ngợi khi trẻ biết nhận lỗi và cảm ơn đúng lúc

Một điều quan trọng mà bố mẹ nên chú ý đó là hãy khích lệ, khen ngợi trẻ khi chúng dám đứng ra nhận lỗi, biết nói lời cảm ơn hay cư xử tốt với người khác. Hãy kể cho trẻ những câu chuyện về chính cha mẹ hoặc những người xung quanh đã từng mắc sai lầm nhưng đã dũng cảm chịu thừa nhận, nói ra lời “Xin lỗi” một cách chân thành nhất và nhận được những lời góp ý, lời khuyên từ mọi người để không tái phạm lần sau nữa

Chúng sẽ hiểu được rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và điều quan trọng là biết nhận lỗi, nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới là đáng khen ngợi. Tương tự như thế, khi trẻ biết nói lời cảm ơn trước một việc làm tốt của người khác dành cho mình, cha mẹ cũng nên khen con thật khéo léo và chừng mực. Tuy nhiên, khen ngợi cũng cần đúng mực và đúng lúc, bố mẹ không nên quá lạm dụng khiến trẻ xem những lời khen là chuyện bình thường và dĩ nhiên phải có.

✅ Nói lời cảm ơn và xin lỗi bằng câu hoàn chỉnh

Sẽ thật đáng tiếc nếu như bé có thành ý nhưng lại thể hiện điều đó bằng một câu “Cảm ơn!” hay “Xin lỗi!” cộc lốc và vô tình trở nên không lễ phép với người lớn. Ngoài việc dạy cho bé biết nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng lúc thì cha mẹ cũng nên dạy con cách nói sao cho tròn câu và phù hợp để thể hiện được sự chân thành của trẻ.

Nhiều khi, bé chỉ biết nói như một cái máy mà không có chút danh xưng nào cả. Vì thế bố mẹ hãy dạy con nói trọn vẹn cả câu: “Con cảm ơn bố mẹ”, “Cháu cảm ơn ông bà/cô chú”,… thay vì chỉ nói: “Cảm ơn” như với bạn bè của bé. Một câu nói tròn trịa, rõ chữ sẽ thể hiện được nhiều hơn toàn bộ sự chân thành trong lời nói của bé.

Biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” là kỹ năng giao tiếp quan trọng mang ý nghĩa của sự chân thành và là tiền đề cho các mối quan hệ tốt đẹp. Bố mẹ nên dạy con rằng không thấy biết ơn có nghĩa là thiếu tôn trọng người khác. Dạy trẻ nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng là giúp trẻ phân biệt những việc làm đúng, sai, và là cách gián tiếp thể hiện tình cảm của trẻ với những người xung quanh.

Việc nói lời cảm ơn thường xuyên sẽ tạo nên sự phấn khích cho cả người nghe và người nói. Vì thế, hãy rèn luyện cho trẻ cách nói ra những lời cảm ơn chân thành mà không quên kèm theo một nụ cười thật tươi khi nói nhé! Hãy khiến việc nói “cảm ơn”,”xin lỗi” trở thành những trải nghiệm vui vẻ, thú vị đối với trẻ thay vì là nhiệm vụ khó chịu mà chúng bắt buộc phải tuân theo.