Trại hè Mỹ – Chuyến đi bão táp

         Nếu có cơ hội được trải nghiệm và khám phá nền văn hóa của một quốc gia khác, bạn sẽ lựa chọn đất nước nào? Đối với một người chỉ sở hữu những xuất phát điểm “khiêm tốn” về mặt ngoại ngữ và các kĩ năng như tôi, một chuyến đi ra nước ngoài cùng lắm chỉ là đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nhưng thật không ngờ, trong lần đầu tiên ra nước ngoài của tôi, bố mẹ đã quyết định cho tôi đặt chân đến Mỹ – một quốc gia cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất.

         Tôi – một cậu bé đang học lớp 9 rụt rè, tự ti về khả năng giao tiếp, có vốn tiếng Anh chỉ đủ dùng và không có nhiều bạn bè xung quanh. Sau một năm dành đầy quyết tâm và tập trung học tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT, tôi đã đạt được những điểm số đáng vui mừng, đủ để đỗ vào một trường cấp 3 tốt theo nguyện vọng của ba mẹ. Phần thưởng mà ba mẹ quyết định dành tặng cho sự cố gắng của con trai mình là một chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài. Giống như mọi năm, mùa hè đến luôn là dịp mà ba mẹ mong muốn dành cho tôi một kỳ nghỉ vừa thư giãn, vừa được trải nghiệm để phát triển bản thân. Vì vậy, tôi đoán chuyến đi lần này chắc ba mẹ sẽ chỉ gửi gắm tôi tại một trại hè quốc tế nào đó nằm trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng chuyến đi này hoàn toàn nằm ngoài những dự đoán của tôi, ba mẹ đã quyết định dành cho tôi một mùa hè vô cùng đặc biệt tại Mỹ!

         Tấm vé thông hành đến vùng đất tự do

         Trước khi tới Mỹ, tôi đã từng tham gia khá nhiều các trại hè khác như Trại hè quân đội, Trại hè kỹ năng, các Trại hè có phạm vi trong nước,… vì vậy các thủ tục về hồ sơ, giấy tờ trước mỗi chuyến đi đều được chuẩn bị và hoàn thiện dễ dàng tới mức chẳng cần tôi phải bận tâm đến. Và tôi cũng nghĩ rằng, việc tham gia trại hè Mỹ cũng chỉ “thẳng cánh cò bay” như vậy mà thôi.

          Thế nhưng điều kiện khác biệt đầu tiên khi bạn đi du lịch tới các quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á chính là việc phải xin được VISA nhập cảnh trước khi đặt chân tới quốc gia đó. Nhưng việc này sẽ còn trở nên khó khăn hơn nếu như Mỹ là nơi mà bạn lựa chọn đặt chân tới cho chuyến đi nước ngoài lần đầu tiên. Ngay từ những bước đầu chuẩn bị, khâu hoàn thiện và nộp hồ sơ cũng là một cái khó trong việc tham gia trại hè Mỹ. Nhưng thật may vì toàn bộ công việc đó đã được giao phó cho BME – đơn vị tổ chức trại hè mà ba mẹ lựa chọn, họ đã chuẩn bị vô cùng chu đáo và giúp tôi hoàn tất mọi thứ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi chỉ việc ngồi đếm thời gian đến ngày cất cánh mà chẳng cần phải chuẩn bị thêm gì.

Vòng phỏng vấn VISA luôn được xem là thử thách khó khăn nhất

          Việc hoàn thiện tốt một bộ hồ sơ là chưa đủ để đáp ứng được điều kiện nhập cảnh vào Mỹ, vòng phỏng vấn với những câu hỏi của lãnh sự quán mới được xem là thử thách lớn nhất. Trước ngày đến hẹn phỏng vấn, BME đã tổ chức cho chúng tôi các buổi tập huấn, định hướng nhằm mục đích hướng dẫn và chia sẻ những kinh nghiệm để có thể giúp chúng tôi dễ dàng vượt qua được các câu hỏi của lãnh sự. Lúc này, niềm háo hức được lần đầu đặt chân đến một vùng đất mới, được khám phá những điều mới mẻ đã trở thành nguồn động lực to lớn giúp tôi dồn mọi sự quyết tâm và nghiêm túc để chuẩn bị thật kỹ càng cho vòng phỏng vấn. Nhờ có những buổi tập huấn và sự hướng dẫn tận tình của BME mà việc trả lời các câu hỏi trong vòng phỏng vấn đã không còn khó như tôi tưởng. Thật may mắn, toàn bộ cả 6 người trong đoàn chúng tôi đều được đồng ý cấp VISA. Và chuyến hành trình của chúng tôi bây giờ mới thật sự bắt đầu.

          Những cú “shock” đầu tiên

          Mỹ là vùng đất tự do, đa sắc tộc cùng với nền lịch sử – văn hóa vô cùng hiện đại và phong phú. Hơn nữa, một quốc gia phương Tây và phương Đông luôn tồn tại những khác biệt rõ rêt với nhau về những quy tắc giao tiếp thường nhật cho đến tư tưởng và lối sống. Vì vậy để tránh gặp phải những cú “shock” về văn hóa tại đây, tôi đã dành khá nhiều thời gian rảnh của mình để tìm hiểu chúng. Sau đó, tôi đã tự đặt ra trong đầu hàng tá các viễn cảnh về cuộc sống với những người bản xứ. Nhưng những ấn tượng đầu tiên tôi bắt gặp tại sân bay thành phố Los Angeles hôm ấy lại cho tôi một góc nhìn hoàn toàn khác so với những gì tôi tưởng tượng.

.

Sự chào đón nồng hậu và những nụ cười thân thiện của những người dân nước Mỹ

         Sau 22 giờ bay, đoàn chúng tôi đã hạ cánh và gặp được gia đình mới của mình ngay tại sân bay. Tuy đã chờ đoàn từ khá lâu, nhưng những nụ cười vô cùng rạng rỡ nở trên khuôn mặt các chủ nhà (host) khiến chúng tôi phần nào hiểu rằng họ đã chờ đợi những đứa con đến từ Việt Nam với tâm trạng mong chờ và háo hức đến nhường nào. Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là sự thoải mái và tự nhiên trong giao tiếp họ. Mặc dù đây là lần đầu gặp nhau nhưng thay vì chỉ nói những câu “xin chào” theo kiểu xã giao thông thường, họ đã không ngần ngại dành cho chúng tôi những cái ôm rất thân mật như một cách để bộc lộ cảm xúc của họ. Bất ngờ hơn, trên đường về các bố mẹ nuôi còn chuẩn bị trước một bữa tiệc “Welcome” nho nhỏ tại một quán pizza ấm cúng để cùng chào đón những thành viên ngay trước khi về đến ngôi nhà mới của mình.

Bữa tiệc “Welcome” nho nhỏ mà các chủ nhà dành cho chúng tôi

          Đây cũng chính là lúc chúng tôi được gặp gỡ bố mẹ nuôi và các anh chị em – những người sẽ trở thành gia đình thứ 2 của chúng tôi tại Mỹ trong thời gian tới. Vì muốn dành thời gian cho chúng tôi nghỉ ngơi nên bữa ăn tuy không kéo dài quá lâu nhưng cũng đủ để cho mọi người cùng trò chuyện và chia sẻ thêm về bản thân cũng như văn hóa nước mình. Lối giao tiếp, trò chuyện vô cùng cởi mở và thân thiện của họ đã tạo điều kiện cho chúng tôi có thể dễ dàng hòa nhập, bắt nhịp nhanh hơn. Đan xen trong bữa tối hôm đó là những câu chuyện hài hước, những chia sẻ về các kế hoạch vui chơi, hoạt động mà họ đã chuẩn bị cả tuần lễ với hi vọng “bọn trẻ sẽ có một quãng thời gian vui vẻ và đáng nhớ tại đây”. Kết thúc ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ với những cảm xúc bất ngờ và lẫn lộn, đêm hôm ấy chúng tôi đã có một giấc ngủ thật ngon để nạp thêm năng lượng, sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu thực sự trong thời gian tới.

          Cú “shock” tiếp theo phải nói đến chính là văn hóa về ăn uống. Nếu người Việt thường ăn cơm trong các bữa chính thì sang Mỹ, cơm là món hiếm gặp. Bàn ăn của người Mỹ thường rất đơn giản chỉ với vài món đựng trong đĩa hoặc bát to. Thay vì sử dụng các vật dụng quen thuộc như bát, đũa, muỗng,… thì khi dùng bữa tại đây, chúng tôi phải học cách sử dụng dao, nĩa để lấy thức ăn. Ngoài ra, có một điểm bạn cần chú ý đó là nếu được một người Mỹ mời dùng bữa, nhớ rằng đừng ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa có lời mời nhé. Dù có thể họ không nói ra, nhưng điều này sẽ khiến họ nhìn nhận rằng bạn thật bất lịch sự đấy.

Bữa ăn đầu tiên phải tập làm quen với dao, nĩa

         Việc được ở chung với gia đình những người bản địa hàng ngày khiến tôi buộc phải thích nghi và dần dần quen với những nét đặc trưng trong thói quen sinh hoạt cũng như làm việc của họ. Sống trong môi trường Mỹ, trễ thời gian là một điều rất khó để chấp nhận được. Những người Mỹ vô cùng tôn trọng giờ giấc và thói quen đúng giờ. Nếu trễ thời gian đi học hoặc đi làm, việc đầu tiên bạn cần nói là xin lỗi và nêu được lí do chính đáng của mình. Lời cảm ơn/xin lỗi được sử dụng như một thói quen lịch thiệp và là câu cửa miệng của những người dân Mỹ khi họ nhận được bất kỳ một sự giúp đỡ hay thái độ thân thiện nào từ những người xung quanh. Ngoài ra, còn có những nét văn hóa khác vô cùng thú vị tại đây mà nếu thực hiện được, nó sẽ giúp bạn dành được khá nhiều sự tôn trọng từ cộng đồng xung quanh. Đó chính là thói quen xếp hàng, không chen ngang và luôn có ý thức bảo vệ môi trường, coi trọng vật nuôi nói riêng và những động vật nói chung.

          Điểm khác biệt về văn hóa cuối cùng mà tôi nhận ra tại vùng đất này chính là việc người Mỹ vô cùng đề cao tính cá nhân và sự khác biệt. Khi làm việc hay sinh hoạt, lối sống tự lập và độc lập trong làm việc luôn được xem là rất quan trọng. Không còn những bộ quần áo đã được mẹ là lượt phẳng phiu hay những bữa sáng, bữa trưa đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn cho từ trước nữa, thay vào đó, tôi cần phải tự phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân hay chăm lo cho chính sức khỏe của bản thân mình. Mọi thứ đều phải tự học, tự làm dưới sự hướng dẫn của những người bố mẹ nuôi và họ chỉ giúp đỡ khi bạn gặp phải những khó khăn thật sự thôi.

Tự chuẩn bị bữa tối cho mọi người dưới sự hướng dẫn của bố nuôi

          Và ngay chính tại khoảnh khắc mà tôi nhận ra được những sự khác biệt về nền văn hóa tại Mỹ, thì đó cũng chính là thời điểm mà tôi cảm nhận thấy bản thân mình đã có những bước tiến dài trong cuộc sống tự lập tại vùng đất này. Giống như hiện tại, khi đang viết ra những dòng này, ảnh hưởng của những cú “shock” về văn hóa ấy đã thay đổi lối sống của tôi cho đến tận bây giờ.

          Rào cản về ngôn ngữ

          Cũng giống như những người bạn lần đầu tiên được tham gia Trại hè quốc tế, rào cản về ngôn ngữ là thử thách tiếp theo mà tôi phải đối mặt. Trên thực tế, dù đã học tốt các chương trình tiếng Anh tại trường lớp, song khi gặp phải những tình huống cần giao tiếp với những người bản xứ thì những lý thuyết về ngữ pháp đó lại không quá có ích với tôi.

          Minh chứng cho việc đó là những phản xạ lúng túng và yếu ớt của tôi khi lần đầu nói chuyện với họ. Khi gặp phải những câu hỏi bất ngờ từ các vị chủ nhà như: “Cháu mong muốn đạt được dự định gì nhất khi đến đây?” hay “Đâu là nơi cháu muốn tham quan nhất khi đặt chân đến thành phố này?”,… thì câu trả lời của tôi thường sẽ chỉ thể hiện thái độ ấp úng và kết thúc cụt lủn với những thông tin vô cùng lãng xẹt. Thực ra, đối với những câu hỏi đơn giản như vậy, tôi đã có sẵn từng câu trả lời chi tiết trong đầu mình nhưng lại khó có thể nói bật ra được trọn ý mình. Có thể vì bản tính thiếu tự tin khi giao tiếp, cũng có thể do bản thân quá ít những cơ hội được thực hành hoặc tốc độ nói của những người bản xứ quá nhanh và có sử dụng những từ lóng, thành ngữ trong câu,… khiến tôi quá bối rối và không thể nghe trọn vẹn câu chữ của họ. Đã có vô vàn những lý do và trở ngại khiến cho việc sử dụng ngoại ngữ trong đời sống hàng ngày trở nên rất khó khăn đối với tôi.

Những lúng túng ban đầu về giao tiếp với người bản xứ

         Những người bạn trong đoàn cùng Ms.Linh đã liên tục khuyến khích, động viên tôi không nên vì thế mà ngại nói chuyện hoặc kết bạn với những người Mỹ. Bởi họ luôn tỏ ra vô cùng thân thiện với những du học sinh và có nói ra thì họ mới có thể giúp tôi phá vỡ “rào cản vô hình” này.  Mặc dù phải thường xuyên nhận lại những câu trả lời chán ngắt từ tôi trong các cuộc hội thoại ngắn ngủi nhưng không vì thế mà những người bố mẹ, những người con trong gia đình Mỹ từ chối giao tiếp với tôi. Ngược lại, họ còn cố gắng nói chuyện, chia sẻ với tôi nhiều hơn và thậm chí còn nhiệt tình giúp tôi sửa chữa những lỗi sai gặp phải trong tiếng Anh giao tiếp.

Rào cản ngôn ngữ dần dần đã không còn là trở ngại

         Quả thật, chỉ trong một thời gian ngắn, chính việc kết bạn với những người bản xứ đã khiến tôi có thể hoàn thiện hơn kỹ năng nghe nói của mình. Vào mỗi buổi sinh hoạt chung hàng ngày, họ còn thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về văn hóa, đất nước – con người ở nơi đây, mà thông qua những câu chuyện đó tôi đã cải thiện được rất nhiều vốn từ vựng của mình cũng như giúp cho khoảng thời gian sinh hoạt tại đây trở nên vui vẻ và gần gũi hơn bao giờ hết. Từ một cậu bé chỉ cần hỏi mua những món đồ trên đường phố thôi cũng gặp nhiều lúng túng mà giờ đây tôi thậm chí còn có thể mặc cả với những người bán hàng ngon lành. Thật may mắn, bởi nhờ có sự giúp đỡ của tất cả mọi người mà “tảng băng giao tiếp” của tôi mới có thể bị phá bỏ hoàn toàn.

        “Sự cố bất ngờ – một khởi đầu mới”

         Sau một tuần trôi qua, chúng tôi đã có phần quen hơn với lịch trình và nề nếp sinh hoạt tại đây. Được trải nghiệm cuộc sống như một du học sinh Mỹ thực thụ, sáng tới lớp học, chiều đi thăm thú tại các địa điểm nổi tiếng,.. mỗi ngày trôi qua đều là những bài học, những cảm xúc thú vị mà chỉ khi xa nhà tôi mới có “cơ hội” được trải nghiệm và khám phá. Vào những ngày cuối tuần, chúng tôi được sinh hoạt chung theo lịch trình của các gia đình host. Nhờ vào các chương trình giao lưu, hoạt động không còn nằm trong khuôn khổ của “trại hè” nữa, tôi đã có cơ hội thu về thêm cho mình rất nhiều các kiến thức về văn hóa cũng như các kỹ năng mềm, các kỹ năng xã hội,… Và trong đó, có lẽ bài học về kỹ năng sinh tồn chính là trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với cả đoàn chúng tôi trong suốt cả chuyến đi này.

Đường phố Hoa Kỳ trong ngày quốc khánh 04/07

        Vào ngày 4/7 – ngay chính vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ, bang Cali bất ngờ phải đối mặt với một trận động đất mạnh nhất bang trong lịch sử 20 năm trở lại đây. Báo đài liên tiếp đưa tin về những hiện tượng nứt gãy trên đường cao tốc Route 178 và những vùng gần tâm chấn. Chúng tôi ở cách tâm chấn khoảng 70 dặm nên được những người dân ở đây trấn an: “Đây chỉ là dư trấn và chúng ta sẽ ổn thôi”. Tưởng chừng như tâm trạng lo lắng và hoảng loạn của chúng tôi sẽ được lắng xuống thế nhưng mọi thứ lại bất ngờ trở nên kỳ quặc hơn vào ngay ngày hôm sau. Một trận động đất khác với cường độ mạnh hơn vào buổi trưa và thêm 2 trận nhẹ, ngắn hơn vào buổi tối. Nghiêm trọng hơn, chúng trở thành nguyên nhân cho một vụ cháy nổ do vỡ ống dẫn khí gas.

Tin tức cảnh báo về các trận động đất diễn ra liên tục tại bang Cali

Báo đài liên tục đưa tin về các trận động đất diễn ra tại California

         Do chưa từng gặp phải bất kỳ một trận động đất nào ở Việt Nam, hơn nữa những vụ động đất mạnh và diễn ra liên tiếp như thế này lại càng không có, nên sự cố lần này thật sự khiến cho chúng tôi quá bất ngờ và hoảng loạn. Ngay lập tức, Ms.Linh (group leader) và các vị chủ nhà nhanh chóng trấn an và dành cho chúng tôi một khóa huấn luyện cấp tốc về các cách thoát hiểm khi có động đất xảy ra và cả những kỹ năng cần thiết để sống sót nếu có xảy ra thêm một cơn địa chấn mạnh hơn nữa. Chui xuống gầm bàn, tránh xa cửa kính, không chạy ra ngoài khi vẫn đang xảy ra địa chấn, dùng tay ôm lấy đầu hoặc sử dụng các vật dụng có thể che được đầu,… và hàng loạt các kỹ năng, lưu ý khác được chúng tôi nhanh chóng ghi nhớ và tập luyện ngay lúc đó.

Cảnh tượng ngổn ngang trong nhà ngay sau trận động đất

         Nhận được tin báo khẩn về tình huống xảy ra từ Ms. Linh, trung tâm đã họp ngay trong đêm và đưa ra những quyết định nhanh chóng, kịp thời: “Việc ưu tiên hàng đầu bây giờ là sự an toàn của chúng tôi”. Ban lãnh đạo trung tâm đã đưa ra giải pháp rằng bằng mọi giá, cả đoàn cần được di chuyển khỏi bang Cali – nơi đang bị đe doạ bởi động đất và hoả hoạn sớm nhất có thể (vì các ống dẫn ga có thể bị gãy và gây cháy nổ). Với sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình từ phía các chủ nhà, ngay sáng hôm sau cả đoàn chúng tôi đã cùng lên chuyến bay Alaska để đến với thủ đô Washington D.C.

Hạ cánh xuống thủ đô Washington D.C

         Tại đây, chúng tôi gặp được gia đình chủ nhà mới là Mr. Randell và Ms.Trà (một người Việt định cư tại Mỹ). Hai người đã rất nhiệt tình đón chúng tôi ngay tại sân bay, đặt khách sạn cho cả đoàn, thậm chí họ còn mua các đồ dùng cần thiết trong tối đầu tiên và đưa cả đoàn đi ăn buffet thịt nướng.

Bữa tối đầu tiên cùng gia đình mới

         Sự sôi động và cảnh quan tuyệt vời đã giúp cho cả đoàn quên đi cảm giác mệt mỏi và lo lắng bởi những thiên tai bất thường vừa xảy ra. Thay vào đó là sự vui vẻ, hào hứng tại một thành phố mới – Thủ đô nước Mỹ. Không chỉ được trải nghiệm sự náo nhiệt, năng động của Cali mà giờ đây chúng tôi còn đang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp phồn hoa, tráng lệ của Washington D.C. Hóa ra đôi khi những sự cố xảy đến bất ngờ cũng không phải điều quá tệ, bởi chúng tôi đang được ở giữa trái tim của nước Mỹ!

Dạo quanh đường phố tại thủ đô của nước Mỹ

         Tiếp nối chuyến hành trình tại vùng đất của nữ thần tự do là một chuỗi những ngày năng động, khám phá không biết mệt mỏi. Ngoài những lịch trình sinh hoạt thông thường, mỗi ngày chúng tôi đều dành toàn bộ sự hào hứng của mình để khám phá thủ đô Washington và tiếp cận kho tàng văn hóa khổng lồ của nhân loại. Khác với những chuyến đi thăm nông trại hay những nhà máy sản xuất tại bang California, hành trình tham quan những địa điểm nổi tiếng bậc nhất tại Mỹ đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều những trải nghiệm và cảm xúc khác lạ. Chúng tôi đã có một tour thăm quan đặc biệt tại trung tâm thành phố với những địa điểm nổi tiếng không thể bỏ qua như viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Mỹ, Đài tưởng niệm Lihncon, tòa nhà Quốc hội, bảo tàng Hàng không và không gian, bến cảng National Habour, … và rất rất nhiều những cảnh quan tuyệt vời khác nữa. Tất cả đã giúp chúng tôi phác thảo nên một bức tranh toàn cảnh vô cùng rõ nét về văn hóa và lịch sử của một nền văn minh hiện đại bậc nhất thế giới.

         Một chuyến đi khép lại để mở ra những hành trình mới

         Nhóm nhạc Semisonic đã hát rằng “Mỗi sự khởi đầu mới đều bắt đầu từ một sự kết thúc khác (Every new beginning comes from some other beginning’s end)” trong bài Closing time. Như một bước đệm lớn để tôi có thể tiến gần hơn tới giấc mơ du học Mỹ. Chuyến hành trình tại Mỹ tuy đã khép lại nhưng những bài học bổ ích, kinh nghiệm quý báu và những kỷ niệm đẹp vẫn luôn lưu lại rõ nét, sâu đậm trong tôi.

Những kỷ niệm đẹp tại vùng đất của nữ thần tự do

         Tôi muốn dành lời cảm ơn tới ba mẹ đã mang cơ hội tuyệt vời này đến với tôi. Cảm ơn Ms.Linh – người đã chăm sóc, lo lắng cho chúng tôi chu đáo và an toàn. Cảm ơn cả những người bạn đã cùng tôi trải nghiệm trong suốt 3 tuần. Và cảm ơn tất cả những người chủ nhà, những người anh chị mà tôi đã coi như gia đình thứ 2 của mình tại Mỹ. Tất cả đã giúp tôi tạo nên một mùa hè ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa nhất đối với tôi trong những năm tháng trưởng thành.

Những trải nghiệm và bài học bổ ích sẽ là hành trang theo chúng tôi suốt một chặng đường dài

         Ông bà ta vẫn thường dạy rằng “ Đi một ngày đàng, học một sàn khôn”, câu nói này luôn đúng trong mọi thời điểm và đối với riêng tôi, điều này lại hoàn toàn chính xác sau chuyến hành trình tại Trại hè Mỹ. Không một ai trên đời hối hận vì trải nghiệm quá nhiều, bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu tuổi trẻ là chính là thời gian và sức khỏe của các bạn đấy. Hãy tận dụng nó và hiện thực hóa những ước mơ của mình nhé!!