NHỮNG KĨ NĂNG ĐƠN GIẢN GIÚP TRẺ ỨNG PHÓ KHI BỊ LẠC

            Vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, các gia đình thường dành thời gian đưa trẻ đi du lịch hoặc đến những khu vui chơi, giải trí có nhiều hoạt động thú vị. Tuy nhiên, chính tại những địa điểm phức tạp này sẽ tồn tại những tình huống nguy hiểm mà các cha mẹ không thể lường trước, trong đó có việc trẻ bị lạc … 

            Không phải lúc nào con cũng may mắn gặp được người tốt, hay nhận được sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh để có thể trở về với cha mẹ … Bởi vậy, để đề phòng trước những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến việc dạy cho trẻ biết cách ứng phó và tự bảo vệ bản thân.

            Trong bài viết này, hãy cùng BiMi trang bị cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng để giúp trẻ có thể đối phó và xử lý tình huống một cách dễ dàng hơn khi bị lạc nhé!

✅✅✅ Dạy trẻ giữ bình tĩnh, tránh di chuyển lung tung

             Khi bị lạc, trẻ thường rơi vào tâm lý hoảng loạn, cố gắng đi tìm cha mẹ theo bản năng của mình. Tuy nhiên, việc trẻ vừa la hét, khóc lóc, vừa kích động chạy khắp nơi sẽ khiến cha mẹ càng khó tìm thấy trẻ hơn và thậm chí còn gây sự chú ý khiến kẻ xấu dễ dàng tiếp cận, dụ dỗ hơn. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên hãy dạy trẻ đứng yên tại chỗ, đừng cố gắng đi tìm cha mẹ. Quan trọng hơn hết, hãy luyện tập và giúp chúng ghi nhớ rằng: Bình tĩnh luôn là trạng thái cảm xúc an toàn và có hiệu quả nhất trong bất kỳ tình huống cấp bách nào. 

✅✅✅ Tìm địa điểm an toàn

            Trước khi được bố mẹ tìm thấy, hãy dạy trẻ cách tự đảm bảo an toàn cho bản thân từ những yếu tố khách quan. Cha mẹ hãy dạy trẻ cách chọn chỗ đứng an toàn như: Không ở giữa đường đi, không gần các phương tiện máy móc đang hoạt động, không đứng gần ao hồ, gần bụi rậm…

✅✅✅ Ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ

            Các chuyên gia khuyên ba mẹ nên dạy bé ghi nhớ tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại của ba mẹ. Khi bị lạc, trẻ có thể liên lạc hoặc cung cấp thông tin cho mọi người, cơ quan chức năng để tìm được về với ba mẹ. Tuy nhiên, vì trí nhớ của trẻ nhỏ chưa được tốt nên bạn hãy cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình. Dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho người lớn để liên lạc gọi ba mẹ đến đón trẻ sớm.

✅✅✅ Tìm sự giúp đỡ của người tin cậy

          Ngay từ khi chưa xảy ra những tình huống xấu nhất, cha mẹ nên tạo cho con thói quen, phản xạ tìm đến những người mặc đồng phục cảnh sát, công an, nhân viên bảo vệ, … để nhờ trợ giúp hoặc thông báo lên loa. Bên cạnh đó, hãy dặn chúng chạy đến bên một bà mẹ đang dắt con nhỏ và đề nghị giúp đỡ. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn có cơ sở vì một phụ nữ có con chắc chắn sẽ tạo cho các con cảm giác tin tưởng và an toàn hơn là một người đàn ông lạ mặt.

✅✅✅ Dạy con cách đối phó với người lạ

            Hiện nay, có rất nhiều trường hợp giả làm người quen của ba mẹ để bắt cóc hoặc có những hành vi, ý đồ xấu với trẻ. Vì vậy, không chỉ với trường hợp con bị lạc, chú trọng đến việc dạy con không được tiếp xúc và tin lời người lạ là điều không bao giờ thừa trong cuộc sống hiện tại. Hãy đóng giả định các tình huống khác nhau để trẻ có thể dễ hình dung và dạy cho chúng những cách đáp trả khi gặp những câu nói dụ dỗ kiểu: “Cô là bạn của mẹ con, cô có quà cho con, con theo cô ra lấy nhé!” hoặc “Bố mẹ con hôm nay bận nhờ bác đến đón, để bác đưa con về nhà nhé!” … Lúc này, hãy dạy trẻ bình tĩnh trả lời: “Cháu không quen cô/chú, bố mẹ cháu đang đứng ở kia kìa!”


Trên đây là một số lưu ý giúp bố mẹ hướng dẫn, giúp con bình tĩnh khi bị lạc, hi vọng những thông tin của BME hữu ích với các bậc phụ huynh!